Nghiên cứu - Trao đổi
TẢN MẠN ĐẦU XUÂN CHÙA PHÚC KHÁNH
19h tối 4/3 (tức 14 tháng Giêng), trong tiết trời se lạnh và mưa phùn, hàng nghìn người che ô, mặc áo mưa dự đại lễ tại chùa Phúc Khánh - ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Hà Nội để cầu mong một năm an bình. Theo quan niệm nhà Phật, đại lễ cầu an mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, người người được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn. Theo lịch các khóa lễ đầu năm của chùa Phúc Khánh, lễ cầu an được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng.
Trong buổi đại lễ cầu an, trước hàng vạn phật tử, Thượng toạ Thích Thanh Quyết Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ chì chùa Phúc Khánh đã có bài diễn thuyết vô cùng ý nghĩa về tư tưởng, sự sáng tạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông - người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng; Đó là quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời tăng cường sợi dây liên kết lòng người, tập trung sức mạnh.
Được sự đồng ý của Thượng tọa Thích Thanh Quyết, V-ITASCO trân trọng giới thiệu toàn bộ bài nói chuyện trên tại đại lễ cầu an đầu năm mới Ất Mùi diễn ra tại chùa Phúc Khánh để Quý bạn đọc cùng suy ngẫm, và hiểu rõ hơn nguồn gốc, giá trị cao cả của đạo Phật:
NAM MÔ BẢN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính thưa Quý vị phật tử xa gần của Tổ đình Phúc Khánh
Nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 được 15 năm. 15 năm qua đã phải chịu nhiều phức tạp bất thường của Thiên - Địa - Nhân. Nhưng các nước có truyền thống theo Đạo Phật vẫn bình ổn và phát triển mạnh. Đặc biệt là Việt Nam ta càng phức tạp, khó khăn lại càng đoàn kết vượt khó, bởi từ ngàn xưa người Việt Nam ta được sống trong nền văn hóa nhân bản của dân tộc, được kết tinh, thừa hưởng những nền văn minh đặc sắc của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.
Năm nay năm Ất Mùi, năm biểu thị cho sự hòa hiếu, kiên nhẫn và trí tuệ, năm mà nhìn lại lịch sử là năm hợp với bản mệnh và sự phát triển của dân tộc ta. Trong kinh Phật, kinh Thánh đều có hình ảnh con Dê - biểu thị cho sự từ bi, bác ái và mẫn tiệp.
Cách đây khoảng 2000 năm khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam đã hòa nhập một cách sâu sắc với văn hóa bản địa tạo thành một tư tưởng riêng có của Phật giáo Việt Nam đó là hòa nhập, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, đỉnh cao là tư tưởng cư trần lạc Đạo, hòa quay đồng trần của Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở thế kỷ 13.
Quốc sử chép rằng: Đức Vua Trần Nhân Tông sau hai lần đại thắng Nguyên Mông chiến công hiển hách, uy danh lẫy lừng, nhường ngôi cho Trần Anh Tông lên núi Yên Tử tu hành đắc đạo, thành lập Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử - một Thiền Phái Phật giáo vì dân tộc, một Thiền Phái lấy thiền định làm phương tiện, lấy giác ngộ trí tuệ làm kim chỉ nam, lấy hạnh phúc dân tộc cứu độ chúng sinh làm cứu cánh, sống giữa cảnh trần mà không nhiễm bụi trần. Sống giữa nơi thanh tịch u tịch của Đạo mà vẫn lo cho Đời. Khi còn tại thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã vân du khắp quốc gia Đại Việt khuyên dân thực hành giáo lý, từ bi đạo đức, bỏ ác làm thiện, giữ gìn biên cương, mở mang bờ cõi, duy trì thuần phong, phát huy mỹ tục. Từ đó được dân tộc tôn vinh là Đức Phật của Việt Nam - Yên Tử trở thành kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Sự xuất gia tu phật của Ngài lại một lần nữa cống hiến cho Dân tộc trên bình diện tư tưởng. Tư tưởng đó là: Lấy tâm dân tộc làm tâm của mình, lấy ý muốn của nhân dân làm ý muốn của Phật Tổ. Tâm của Ngài là tâm cứu độ chúng sinh, tâm giải phóng dân tộc, tâm hòa nhập cộng đồng. Tư tưởng này làm kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Nhằm mục đích quy tụ ý trí sức mạnh của cả dân tộc hướng về một thế giới tâm linh thánh thiện, thuần mỹ, hướng về cội nguồn. Từ đó hóa thành sức mạnh tổng hợp, đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn để có một: Quốc gia độc lập, dân tộc tự do, nhân sinh hạnh phúc. Tư tưởng Phật Hoàng sẽ giúp chúng ta cân bằng lại, có những lúc, những nơi, những người khi sống cuộc sống quá mức về mặt vật chất mà lãng quên đi những giá trị tinh thần, tâm linh, đạo đức, nhân bản vô giá mà con người cần phải có. Hiện tượng Vua hóa Phật là hiện tượng duy nhất trên lịch sử nhân loại. Tư tưởng Phật Hoàng mãi mãi là đuốc tuệ cho cả Đạo pháp và dân tộc ta đi trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Phật sử lại chép rằng: Sáng ngày mùng 1 Tết năm 1308 sau khi đào tạo được Pháp Loa Tôn Giá, Phật Hoàng trao truyền tổ vị cho Pháp Loa làm Đệ Nhị Tổ. Trở về Yên Tử, Ngọa Vân tu hành. Cuối tháng 10 năm 1308 khi thấy nhân duyên thời tiết đã đủ, Phật Hoàn chọn Ngọa Vân - Đông Triều - Quảng Ninh làm nơi hóa Phật. Chúng tôi thường xuyên trở về cội nguồn nơi Đức vua hóa Phật tại Ngọa Vân - Đông Triều để dâng hương tưởng niệm về một con người vĩ đại đã để lại một hệ tư tưởng vĩ đại cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Nhân dịp giỗ kỵ Phật Hoàng nhập Niết bàn, ngày 30 tháng 10 năm Giáp Ngọ - 2014 Thủ tướng Chính phủ đã về để dâng hương tại Chùa Ngọa Vân. Tại đây mọi người dừng và ngắm một vị thế có một không hai của nước Đại Việt: Tựa sơn hướng hải, Tả thanh long hữu Bạch hổ, Tiền án nghiên bút, hậu chẩm cao sơn, Minh đường Đông Hải, Thủy tụ giang lưu … Nghĩa là Lưng tựa núi, mặt quay ra sông Bạch Đằng và Biển Đông, Rồng trầu Hổ phục hai bên, tiền án là nghiên bút, hậu chẩm là dãy núi cao dầy, lấy biển Đông làm minh đường, trước mặt là thủy tụ, Sông Lưu. Thủ tướng nói: Địa thế này chỉ có Phật Hoàng mới chọn được và yêu cầu phục hồi nhanh khu Thánh địa Ngọa Vân thành Thánh địa PGVN. Hiện nay Giáo hội đang cho phục hồi lại toàn bộ quần thể Ngọa Vân - Đông Triều: Có Đền, Đình, Chùa, Am, Tháp, lăng tẩm, có cáp treo, đặc biệt sẽ xây dựng ngôi Chùa Vàng, tượng Phật Hoàng nhập Niết Bàn bằng vàng tại Ngọa Vân, và tổ chức mở hội lớn để nhân dân khắp nơi về tưởng niệm công đức vĩ đại của Phật Hoàng. Và từ đây sẽ được tiếp nhận sức mạnh tâm linh từ Phật Hoàng, để chúng ta sống cuộc sống nhân bản vị tha trong xã hội hiện tại. Con cháumuôn đời chúng ta được hưởng phúc báo này. Ngọa Vân sẽ là điểm đến, nơi về của Phật giáo VN.
Kính thưa Quý vị Phật tử!
Nhà bác học nổi tiếng của thế kỷ 20 ALBET EINSTEIN có nói: Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức, phát xuất từ kinh nghiệm trọng thể gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa, chỉ có Đạo phật mới đáp ứng đủ điều kiện đó. Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được mọi nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo.
Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. Tôi là một người không theo tôn giáo, nhưng nếu có tôn giáo thì tôi phải là một phật tử. Vì những gì tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua kinh Phật đã nói hết cả rồi.
Chúng ta đều biết: Đạo Phật với tinh thần: Từ bi - Bình đẳng - Vô Ngã - Vị tha đã được nhân dân ta tiếp thu và chuẩn hóa thành những chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống, đã được giáo hội chuyển hóa thành phương châm:Đạo pháp - Dân tộc, đã trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống thường nhật. Những tư tưởng này đã hóa giải những khó khăn của dân tộc, đã hóa trừ những tư tưởng mang tính ích kỷ, hưởng thụ, cá nhân, hẹp hòi, thoát khỏi những cuộc sống tầm thường của những di chứng vật chất, tạo cho dân tộc ta có sự thăng bằng giữa cuộc sống vật chất và cuộc sống tâm linh tinh thần.
Đại lễ Cầu an có nghĩa là chúng ta nhất tâm cầu nguyện Quốc thái dân an, Dân tộc phúc cường, Nhân sinh an lạc. Đại lề Cầu an còn có ý nghĩa: Hướng thượng, hướng thiện và hành thiện. Chỉ khi nào chúng ta nhìn thẳng vào nội tâm, không còn những tư duy xấu, hành động ác thì mới thực sự bình an. Phật dạy: "Tâm tịnh thì quốc độ tịnh, tâm an thì chúng sinh an, tâm bình thì Thiên hạ bình".
Năm Ất Mùi được mệnh danh là năm của nhân cách, trung hậu, trí tuệ và thành tựu. Năm mà chúng ta sẽ thừa hưởng hào khí của dân tộc, kế thừa những thành tựu của năm Giáp Ngọ - 2014, đoàn kết, hòa hợp để rồi có những bước chuyển mình thẳng tới đạt được dấu nhấn quan trọng, dấu nhấn của niềm tin tâm linh, dấu nhấn của vận nước - phúc nước, dấu nhấn của sự thăng hoa của Đạo pháp và dân tộc.
Trước khi cử hành đại lễ Cầu an năm nay tôi xin chí tâm đỉnh lễ nguyện cầu Quốc thái dân an, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia bộ cho Quý vị Phật tử cùng gia đình năm mới Sức khỏa - Hạnh phúc - An khang - Thịnh vượng.
A - Di - Đà - Phật./.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.