News and events
Vượt mây khai hội chùa Ngọa Vân
Sáng 24-2, (tức mùng 9 tháng Giêng), Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức khai hội Xuân Ngọa Vân 2018 thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt lịch sử văn hóa Nhà Trần tại thị xã Đông Triều.
Chùa Ngọa Vân trên lưng núi Bảo Đài Sơn, thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, được xây dựng vào thời Trần (đầu thế kỷ thứ 14). Đây là một trong những di tích quan trọng nhất trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh.
Nơi đây đêm 1-11-1308, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, nhập niết bàn, hóa Phật.
Đây là năm thứ ba lễ hội được tổ chức song có quy mô lớn hơn do hạ tầng du lịch được thiết kế và xây dựng hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm bái của hàng vạn khách du lịch.
Chùa Ngọa Vân được trùng tu, tôn tạo trên phế tích và được phục dựng lễ hội lần trước vào mùng Chín tháng Giêng năm Bính Thân (2016). Lễ hội truyền thống xuân Ngọa Vân là dịp tôn vinh công đức Thái Thượng hoàng - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Thiền phái Trúc Lâm, một tôn giáo lớn của Việt Nam tiến bộ, gắn đạo với đời.
Lễ hội chùa Ngọa Vân diễn ra trang trọng, gồm đại lễ cầu “quốc thái dân an vũ điều phong thuận” phần Hội có một số hoạt động văn hóa như: giao lưu các làn điệu chèo của các CLB chèo ở địa phương, tổ chức các hoạt động thể thao, trò chời dân gian kéo co, đánh đu, đi cầu kiều, đập nồi niêu, bịt mắt bắt vịt, tung còn, nhảy bao bố,...
Đây cũng là dịp để tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền quảng bá để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách thập phương về tầm quan trọng, giá trị to lớn của Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Từng là trung tâm phật giáo lớn với những công trình giá trị, chùa Ngọa Vân sau bao năm bị thực dân Pháp và thời gian tàn phá chỉ còn một số di tích tiêu biểu, mang dấu ấn của văn hóa thời Trần và Lê. Có thể kể đến chính là tháp Phật Hoàng chứa xá lợi của vị Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, Am Ngọa Vân nơi Phật Hoàng nhập niết bàn trong thế sư tử nằm, các bệ tượng đá hình hoa sen và hàng chân cột đá.
Hành hương về đất Phật là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; là dịp để người dân và du khách tri ân công đức to lớn của Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm. Đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách thập phương, từ đó tích cực tham gia quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích./.
Ngọc Khuê