News and events

Lễ hội xuân chùa Ngọa Vân – hành trình tìm về căn nguyên Phật pháp

17-02-2016

Cùng với hai lễ hội truyền thống lớn nhất nước là lễ hội chùa Hương và lễ hội xuân Yên Tử, Phật tử cả nước vừa có thêm một lễ hội thứ ba với quy mô không hề kém – Lễ hội xuân Ngọa Vân (tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để tưởng nhớ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Sáng ngày 16-02-2016, tức ngày 09 tháng Giêng năm Bính Thân, UBND thị xã Đông Triều, phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Lễ hội xuân Ngọa Vân đầu tiên năm 2016 gắn liền với ba sự kiện đặc biệt bao gồm Lễ khánh thành chùa Ngọa Vân – Di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, chính thức vận hành công trình dịch vụ cáp treo từ Trại Lốc lên Ngọa Vân và Lễ cắt băng khánh thành cổng vào Khu di tích nhà Trần tại thị xã Đông Triều. Lễ hội xuân Ngọa Vân sẽ diễn ra trong thời gian 3 tháng và sẽ được duy trì khai hội vào ngày 09 tháng Giêng trong các năm tiếp theo. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân công đức của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông; giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự lễ khai xuân chùa Ngọa Vân

 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết dự lễ khai xuân chùa Ngọa Vân

Để thuận tiện trong việc tham gia Lễ khai hội cũng như tham quan chùa Ngọa Vân vừa mới được khánh thành, Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin (Công ty TNHH Tâm Đức) cũng chính thức vận hành hệ thống cáp treo Ngọa Vân và miễn phí dịch vụ cáp treo cho người dân và du khách. Theo Ban Quản lý, trong những ngày tiếp theo, giá vé cáp treo khứ hồi là 180.000 đồng/ người, một chiều là 100.000 đồng/ người; miễn phí đối với trẻ em cao dưới 1,1 m, người già và thương bệnh binh. Ngay trong ngày đầu khai hội, hàng nghìn người dân và du khách đã sử dụng dịch vụ cáp treo để hành hương về nơi “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm.

  

Hình ảnh tuyến cáp treo Ngọa Vân

Chùa Ngọa Vân tọa lạc trên núi Bảo Đài thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là di tích quan trọng bậc nhất trong cụm các di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Chùa được xây dựng để tưởng nhớ Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông – một vị vua anh minh, đức độ là danh nhân văn hóa của dân tộc, có những đóng góp to lớn cho đất nước và dân tộc. Đức vua, bằng tài năng và đức độ của mình, đã trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt đạt được những chiến công oanh liệt trong đó đã giúp đánh thắng đội quân Nguyên – Mông, dũng mãnh thiện chiến bậc nhất thời bấy giờ, bảo vệ bờ cõi và độc lập dân tộc.

Năm 1299, sau khi truyền ngôi cho vua Trần Anh Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ, sáng lập dòng thiền Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt với tinh thần Phật giáo nhập thế, khai phóng và vị tha. Yên Tử là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành, thuyết pháp, độ tăng và Ngọa Vân chính là điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành, thành Phật của Đức Vua, là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm nhập cõi niết bàn. Ngọa Vân từ đó đã trở thành “Thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung. 

Chùa, am Ngọa Vân hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá, tâm linh. Du khách đến đây sẽ gặp những trầm tích văn hóa từ thuở sơ khai của Thiền phái Trúc Lâm từ mấy thế kỷ trước để tìm hiểu về văn hoá Phật giáo, chiêm bái tượng Phật hoàng trong tư thế nhập niết bàn trong Am Ngọa Vân, kính cẩn trước Phật hoàng tháp, nơi lưu giữ xá lỵ Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông và chiêm ngưỡng cổ vật từ thời Trần, Lê, Nguyễn để lại. 

Du khách tĩnh tâm trong khu am, tháp, chùa Ngọa Vân tựa vào ngọn núi Bảo Đài, ngắm dãy núi “tả thanh long” trùng điệp chầu về, dãy núi “hữu bạch hổ” hùng vĩ phục xuống cùng ngọn núi có tên Ngọn Bút làm tiền án chùa Ngọa Vân quanh năm mờ ảo mây mù bao phủ. Ở đó, du khách thanh tĩnh tâm hơn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống và hướng tới một đời sống cao thượng, tốt đẹp hơn, với cái tâm trong sáng, an lành, chân - thiện - mỹ…

Một số hình ảnh lễ khai hội xuân Ngọa Vân:

                                                                                                                                              Mạnh Cường

Một số đường link bài viết tham khảo:

http://www.baoquangninh.com.vn/van-hoa/201602/tung-bung-khai-hoi-xuan-ngoa-van-nam-2016-2297915/

http://laodong.com.vn/van-hoa/quang-ninh-khai-hoi-xuan-ngoa-van-lan-thu-nhat-517845.bld

http://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/Le-khai-hoi-xuan-Ngoa-Van-lan-thu-nhat-382622/

http://www.baomoi.com/Khai-hoi-chua-Ngoa-Van-Nguoi-dan-un-un-do-ve-khien-cap-treo-tac-nghen-nhieu-gio/c/18665954.epi

http://www.vietnamplus.vn/khai-hoi-xuan-va-khanh-thanh-chua-ngoa-van-tai-quang-ninh/371296.vnp

http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/16064

http://www.quangninh.gov.vn/vi-VN/Trang/Tin%20chi%20ti%E1%BA%BFt.aspx?newsid=27755&cid=13&dt=2016-02-16

http://motthegioi.vn/tieu-diem/khai-hoi-xuan-ngoa-van-tuong-nho-phat-hoang-tran-nhan-tong-288885.html