News and events
Lễ Đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Vừa qua, tại đền An Sinh (xã An Sinh, TX Đông Triều, Quảng Ninh), Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Quảng Ninh và UBND thị xã Đông Triều đã phối hợp tổ chức lễ đúc tượng chùa Ngọa Vân, di tích quan trọng bậc nhất nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Nhằm hoàn thiện phần nội tự, lễ đúc tượng lần này sẽ tiến hành đúc 6 trong tổng số 11 tượng thờ tại chùa Ngọa Vân gồm: Tượng Tam tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), tượng Phật Thích ca mâu ni, tượng đức Thánh Hiền, tượng Đức Ông. Các tượng có chiều cao từ 1,3 đến 2,2m, được đúc bằng đồng. Dự kiến, các tượng này sẽ được chuyển lên chùa Ngọa Vân vào ngày 25/10 Âm lịch và tiến hành lễ hô thần nhập tượng vào dịp khánh thành chùa, ngày 25/12 Âm lịch tới đây.
Công trình này do Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư với số tiền gần 90 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
|
Thượng tọa Thích Thanh Quyết ; Ban lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin dâng hương trong lễ đúc tượng. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho biết, Ngọa Vân được xây dựng ở Bảo Đài Sơn. Nhìn trên tổng diện về mặt địa lý hiện đại thì nó nằm trên một cái khu vực của một dãy thuộc một phần của vòng cung Đông Triều. Trước đây, khi nói đến Yên Tử, bao giờ các cụ cũng dùng chữ “Yên Tử sơn”, đó là khái niệm giữa địa lý cổ và địa lý hiện đại.Nếu núi Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, tu luyện, giảng pháp, độ tăng, thì am Ngoạ Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện, hoá Phật của Ngài.
|
Đông đảo các tập thể, cá nhân đã phát tâm công đức đúc tượng với tổng kinh phí thu được trong ngày đầu tiên lên đến trên 5,5 tỷ đồng. |
Đầu thế kỷ 14, Ngọa Vân là quần thể chùa am tháp của thiền phái Trúc Lâm. Và đây chính là Thánh địa của thiền phái Trúc Lâm. Đến thế kỷ 18các vị thiền sư nổi tiếng đã quay trở lại Ngọa Vân này để trùng tu và xây dựng lại. Theo tấm bia hiện còn ở chùa, năm 1707 thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng tại đây 2 tòa bảo điện. Và năm 2009, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu tại khu vực này. Và đã tìm được mặt bằng của 2 tòa bảo điện mà thiền sư đã xây dựng.
|
Phối cảnh khu dịch vụ cáp treo Ngọa Vân – Hồ Thiên |
Hiện, khu di tích chùa Ngọa Vân đang được Ban trị sự Phật giáo tỉnh và UBND thị xã Đông Triều tập trung trùng tu tôn tạo.
Tại lễ đúc này lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ - Vinacomin (V-ITASCO) được UBND tỉnh Quảng Ninh chọn là nhà chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến cáp treo và khu dịch vụ tại cụm di tích lịch sử văn hoá chùa Ngoạ Vân – Hồ Thiên đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Ban trị sự Phật giáo tỉnh. Toàn thể CBCNV V-ITASCO, đơn vị giám sát và các nhà thầu thi công, lắp đặt đang đẩy nhanh tiến độ, đến nay các hạng mục xây dựng nhà ga đi và ga đến đã hoàn thành được 76% khối lượng công việc. Hệ thống cột thép 12 trụ đã lắp đặt xong và đang tiến hành lắp đặt hệ thống cáp, cabin và một số hạng mục khác. Chủ đầu tư cũng cam kết về mặt chất lượng, thẩm mỹ Tuyến cáp treo Ngọa Vân – Hồ Thiên với quy mô công suất 2.000 người/giờ, 53 cabin sức chứa 10 người/cabin.Toàn bộ vật tư thiết bị dùng để chế tạo hệ thống đều có xuất xứ từ Châu Âu và đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội cáp treo Thế giới do tập đoàn POMA (Cộng hòa Pháp) thiết kế và chế tạo nhằm phục vụ tốt, an toàn nhất cho mỗi du khách, phật tử khi đến với Kinh đô phật giáo Việt Nam.
Ngọc Khuê